Điệp Sơn là một trong những hòn đảo nhỏ thuộc vịnh Vân Phong (Khánh Hòa), còn được nhân dân địa phương gọi là đảo Hòn Bịp. Nằm giữa biển khơi, cách đất liền khoảng năm hải lý, đây là một điểm đến còn khá nguyên sơ với con đường cát “xuyên biển” độc đáo.
Con đường cát "xuyên biển" trên đảo Điệp Sơn
Từ Nha Trang, đi chừng 60 km qua thị trấn Vạn Giã và quẹo sang hướng biển khoảng 500 m, du khách đến cảng cá và từ đây thuê ca-nô ra đảo với giá 100 nghìn/người/lượt với thời gian đi ước chừng 15 phút. Cảm giác vượt biển ra khơi mang lại cho du khách những điều thú vị, mới lạ trong mênh mang biển nước, mây trời và tiếng sóng vỗ, lại được cảm nhận cuộc sống sinh hoạt của ngư dân Nam Trung Bộ qua những thuyền cá và các bè lồng nuôi hải sản trên vùng vịnh. Khi những hàng dừa và các làng chài phơi lưới trắng xóa ven biển khuất dần, cũng là lúc Điệp Sơn hiện ra trước mắt nhấp nhô ẩn hiện theo nhịp sóng. Đến gần, đảo hiện lên rõ ràng hơn với mầu xanh cây lá ngút ngàn hòa lẫn giữa biển khơi xanh mầu ngọc bích.
Cập bến đảo, du khách đi qua những chiếc cầu ván bắc giữa các lồng nuôi hải sản để vào bờ. Từ đây, một con đường cát trắng dài 150 m nhô lên mong manh trong sóng biển nối liền giữa Điệp Sơn và Hòn Ó. Lúc thủy triều lên, con đường cát sẽ chìm dưới làn nước lấp xấp và khi nước rút đi lại hiện lên lấp lóa trắng trong nắng vàng. Đi bộ trên con đường cát Điệp Sơn, du khách có cảm giác như đang “đi xuyên qua biển” trong sự hồi hộp, thích thú. Hai bên đường, nước biển trong xanh, với những đàn cá nhỏ nhiều mầu sắc bơi lội… Theo như kinh nghiệm của người dân địa phương cũng như của các du khách đi trước, thời điểm biển đẹp nhất là vào khoảng từ tháng một đến tháng chín, khi khu vực này đang trong mùa nắng, phù hợp cho du lịch biển, đảo. Các loại hình dịch vụ tại đây chưa phát triển và mọi thứ đều phải chuyên chở từ đất liền ra. Bên cạnh việc nghỉ dưỡng, tắm biển, thưởng thức các loại hải sản tươi sống và những trò chơi dưới nước…, du khách có thể ở lại đêm và tổ chức đốt lửa trại dã ngoại ngoài bờ biển.
Cư dân trên đảo Điệp Sơn không đông, có 82 hộ gia đình với 400 nhân khẩu và sống bám biển qua nhiều thế hệ, còn giữ gìn nhiều cung cách lao động biển cả và sinh hoạt văn hóa truyền thống khá thú vị. Khó khăn là đảo thiếu điện và thiếu nước ngọt, phải chuyên chở từ đất liền ra theo chế độ phân phối của chính quyền địa phương với mức 20 lít nước/người/ngày. Hiện nay, phần lớn các tua du lịch ra đảo chủ yếu mang tính tự phát và đang rất cần một sự quản lý, tổ chức quy củ, chuyên nghiệp hơn từ phía ngành du lịch Khánh Hòa và các doanh nghiệp lữ hành.